LỜI CHÚA & CUỘC SỐNG: Thứ Sáu tuần 15 Thường niên (+video)

“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này:
Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế,
ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.”
 (Mt 12,7)

 

 

1. Luật pháp đã định rằng, những người đi đường nếu đói thì được bứt vài bông lúa hay bẻ vài cái bắp bên đường để ăn. Các môn đệ của Chúa đã dùng tay bứt vài bông lúa chứ không dùng liềm để cắt. “Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh có thể lấy tay bứt những bông lúa, nhưng không được tra liềm cắt lúa của người đồng loại” (Đnl 23,26). Ông Thompson trong cuốn “Xứ thánh và Kinh Thánh” kể rằng, khi ông du hành qua xứ Palestine thì thấy phong tục này vẫn còn.

Thế nhưng, dưới mắt những đạo sĩ và các luật sĩ Do Thái thì sự việc không đơn giản như thế. Lỗi của các tông đồ không phải là bứt và ăn bông lúa mì nhưng vì họ đã làm việc ấy trong ngày Sabat. Luật ngày hưu lễ rất phức tạp và rườm ràLuật pháp cấm làm việc trong ngày Sabat nhưng những nhà dạy luật không hài lòng với sự cấm đoán đơn thuần đó, phải định rõ là việc làm gì. Vì thế, họ nêu ra 39 việc bị cấm làm trong ngày Sabat. Trong số những việc bị cấm đó có việc gặt hái, đập lúa và nấu nướng. Tuy nhiên, những nhà giải thích luật không chỉ đưa ra rồi để vấn đề ở đó. Mỗi mục trong danh sách ghi những việc làm bị cấm phải được định nghĩa rõ ràng. Ví dụ: cấm mang gánh nặng. Nhưng gánh nặng là gì? Một gánh nặng là bất cứ vật gì cân nặng bằng hai trái vải khô. Trong ngày Sabat, tất cả những gì có thể tượng trưng cho việc làm đều bị cấm. Sau này, một giáo sư nổi tiếng người Do Thái là ông Maimonides nói: “bứt bông lúa mì cũng là một cách gặt”.

Đáp lại sự chỉ trích của các luật sĩ và đạo sĩ Do Thái, Chúa Giêsu đưa ra ba luận điểm:

a. Ngài trích dẫn “hành động của Đavid” (1Sm 21,1-6)

Khi Đavid và những người tùy tùng của ông bị đói chạy vào đền Tạm - đền Tạm hay lều Tạm không phải Đền thờ vì việc này xảy ra trước khi Đền thờ được xây dựng và ăn bánh tiến là bánh chỉ thầy tư tế mới được phép ăn. Đavid và đám tùy tùng của ông bị đói nên đã lấy bánh thánh này ăn và họ không bị bắt lỗi gì. Như vậy sự đòi hỏi của nhu cầu con người, sự đói khát của con người là khẩn thiết hơn bất kỳ tập quán và nghi lễ nào.

bNgài trích dẫn việc làm ở Đền thờ trong ngày Sabat.

Nghi lễ trong đền thờ cũng luôn luôn liên hệ đến việc làm: nào nổi lửa, giết và chuẩn bị con vật tế lễ, nào mang chúng lên bàn thờ và nhiều việc khác nữa. Thế nhưng, đối với thầy tư tế thì những việc làm này hoàn toàn đúng, vì những việc này được coi là việc phụng vụ trong đền thờ cần phải được tiếp tục.

Nhưng cũng những công việc này mà được người khác làm thì lại vi phạm luật.

 c. Ngài trích dẫn lời Thiên Chúa nói với tiên tri Hôsê: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ” (Hs 6,6).

Điều Thiên Chúa muốn hơn của lễ là tình yêu thương. Trong câu chuyện này, Chúa Giêsu đã đưa ra nguyên tắc là sự đòi hỏi của nhu cầu con người phải được đặt trước mọi đòi hỏi khác. Sự đòi hỏi của việc thờ phượng, của nghi lễ, của phụng vụ rất là quan trọng và có chỗ đứng của nó, nhưng ưu tiên trên mọi đòi hỏi vẫn là những đòi hỏi của nhu cầu con người.

2. Khi vì nhu cầu chính đáng của con người, thì những giá trị khác do con người đặt ra phải lui lại đàng sau.

Thi sĩ George Herbert, người Anh, ngoài tài làm thơ còn có năng khiếu về âm nhạc. Thi sĩ thường cùng với bạn bè ngồi ngâm thơ và hòa nhạc.

Một buổi tối, lúc đang trên đường đi dự buổi hòa nhạc, thi sĩ gặp một chiếc xe ngựa bị sa lầy. Trên xe hàng hóa chất nặng. Bác xà ích thì già yếu và con ngựa thì quá đỗi gầy còm.

Không chút ngần ngại, thi sĩ đã bỏ cây đàn bên vệ đường rồi giúp người xà ích bốc rỡ hàng hóa và đẩy chiếc xe khỏi vũng lầy. Sau đó, ông lại tiếp tục xếp hàng lên xe. Rồi ái ngại cho con ngựa còm, ông tặng bác xà ích một số tiền để mua cỏ cho nó.

Công việc xong xuôi thì trời đã về khuya. Và bộ đồ dạ hội của ông cũng đã lem luốc những bùn. Tuy thế, ông vẫn đến nơi đã hẹn. Tới nơi thì buổi dạ hội đã xong rồi.

Một người bạn nói với ông:

- Nhà thơ của chúng tôi đã lỡ mất một buổi hòa nhạc tuyệt vời.

Thi sĩ George Herbert mỉm cười đáp:

- Phải, đúng thế. Nhưng để bù lại, tôi đã tấu được một khúc nhạc tuyệt hơn nhiều.

Đời người ví như một khúc nhạc. Nhưng có khúc nhạc nào đẹp cho bằng những khúc nhạc tình thương được vang lên tự cõi lòng con người.

Một cử chỉ đẹp, một hành vi quảng đại, một hy sinh quên mình vì tha nhân đều là nốt nhạc của tình thương yêu chân thành. Chúng vang lên để khích lệ, để phấn khởi lòng người, để làm cho cuộc đời thêm tươi sáng và an vui.


Tin liên quan

Linh mục CHÁNH XỨ

Linh mục CHÁNH XỨ

Cha Vinh Sơn

Nguyễn Văn Hồng

Từ năm 2022

Linh mục PHỤ TÁ

Linh mục PHỤ TÁ

Cha Giuse

Phạm Việt Dũng

Từ năm 2022

Copyright © Giáo xứ Tân Sa Châu
Thiết kế website bởi Công ty Cổ phần Phần Mềm Zozo