Lời Chúa hằng ngày: Ngày 24 tháng 6 SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ lễ trọng

A. Hôm nay Giáo hội tưởng niệm ngày sinh của một con người mà đã có lần Chúa Giêsu ca ngợi là: “Người cao trọng nhất trong số những người sinh ra bởi người nữ” (Mt 11, 11)

Vâng! Một con người đã được sinh ra trên trần thế.

 

Nghe lời Chúa MP3

 

BÀI ĐỌC NGÀY HÔM NAY

BÀI ĐỌC I: Is 49, 1-6

“Đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa, và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”.

Và bây giờ Chúa là Đấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người và quy tụ Israel chung quanh Người, tôi được vinh hiển trước mặt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh tôi, Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta đã ban cho đến tận bờ cõi trái đất”.

 

BÀI ĐỌC II: Cv 13, 22-26

“Gioan rao giảng việc Chúa Kitô sắp đến”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô nói: “Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”. Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước, khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

 

 

TIN MỪNG NGÀY HÔM NAY

 

Tin mừng: Lc 1, 57-66.80

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em.

60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.”

62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Ai nấy đều bỡ ngỡ.

64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê.

66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? “ Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen.

 

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

 

Sứ điệp: Thánh Gioan được sinh ra trong ơn thánh với sứ mạng loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa. Mỗi Kitô hữu cũng được sinh ra trong ơn thánh để trở nên dấu chỉ của tình yêu Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, cả Giáo Hội mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, con cũng nghĩ đến sứ mạng con đã lãnh nhận từ ngày con được rửa tội, được trở nên một người con trong Giáo Hội, được vinh dự thông phần vào sứ mạng của Giáo Hội. Con chính là dấu chỉ của tình yêu Chúa.

Thánh Gioan đã thực hiện sứ mạng tiền hồ với những sự kiện phi thường khiến mọi người xung quanh kinh ngạc, thán phục, khiến dư luận xôn xao lan rộng. Đời con chẳng có những sự kiện phi thường. Cứ xét bề ngoài thì con cũng giống như những anh em không công giáo, chẳng có gì trổi vượt. Nhưng chính Chúa đã xếp đặt điều đó. Con vẫn là dấu chỉ của tình yêu Chúa giữa mọi người. Tình yêu Chúa luôn hiện diện khắp nơi và đang hiện diện trong chính thân phận nhỏ bé của con.

Đôi khi con lãng quên vai trò chứng nhân của mình, và khi ấy con chỉ là một dấu chỉ lu mờ của tình Chúa. Mọi người không nhận ra dấu ấn của Chúa trong cách sống của con. Khi thiếu lòng nhân ái, là lúc dấu chỉ tình yêu bị xóa nhòa. Khi con sa ngã trong tội, là lúc dấu chỉ tình yêu tắt ngấm. Bản thân con vốn yếu đuối, con để mất liên lạc với Chúa nên không thể là dấu chỉ về Chúa.

Xin Chúa giúp con luôn ý thức vai trò chứng nhân của mình. Con đã được sinh ra trong ơn thánh, được mang tên thánh, ước gì tên thánh con nhận chính là tên gọi cho cả cuộc sống của con. Amen.

Ghi nhớ: “Vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan”.

 

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

 

Suy niệm:

Khi cho một người sinh ra, Thiên Chúa đã có sẵn một sứ mạng dành cho người đó. Sứ mạng của Gioan là làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Và Gioan đã làm tròn sứ mạng đó, cho nên dù chết sớm, Gioan cũng hoàn thành tốt đẹp ý nghĩa và sứ mạng của đời mình.

Còn tôi, sứ mạng của tôi là gì ? Sống bao nhiêu năm nay, tôi có nghĩ đến đều đó không ? Có quan tâm thi hành sứ mạng ấy không ? Nhà thơ Nguyễn công Trứ viết : “Đã mang tiếng sống trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Tôi không màng đến danh, chỉ muốn chu toàn sứ mạng Chúa trao cho.

Chúng ta không tin vào quan niệm đầu thai để đi vào một định mệnh nghiệt ngã, nhưng chúng ta tin vào một sứ mệnh riêng, có tính cách mời gọi và thôi thúc mà Chúa gửi gắm cho mỗi người chúng ta.

Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì cho cậu: cắt bì là dấu chỉ từ nay đứa trẻ thuộc về Chúa và dân của Chúa. Hồi còn bé, mỗi người chúng ta cũng được lãnh nhận Phép Rửa và được dâng hiến cho Chúa, được thuộc về Giáo hội. Hôm nay suy gẫm về phép cắt bì của Thánh Gioan, chúng ta hãy nhớ lại ngày mình được dâng hiến cho Chúa và Giáo hội. Ngày ấy cha mẹ dâng hiến ta, hôm nay chúng ta hãy tự dâng hiến mình một cách ý thức và đầy lòng yêu mến.

Phải đặt tên cháu là Gioan: khi đặt tên cho con mình, bà Êlisabét và ông Dacaria đều muốn đặt tên con là Gioan. Cả hai đã chọn cho con một cái tên thật lạ trong họ hàng. Việc này cho thấy có sự can thiệp của Thiên Chúa. Gia đình Dacaria đã đón nhận sự can thiệp này trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.

Chúa cũng can thiệp vào đời sống của tôi. Nhưng tôi đã không nhận ra ý Ngài ; hoặc tôi đã gạt Chúa ra khỏi đời mình chỉ vì ý Ngài ngược lại ý của tôi và đảo lộn cả cuộc sống của tôi.

“Ngay lúc ấy, miệng ông mở ra, ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa”: Ông Dacaria đã bị phạt câm hơn 9 tháng. Hôm nay ông mở miệng, và lời đầu tiên của ông là chúc tụng Thiên Chúa. Ông chúc tụng vì ông hết câm, vì ông được có con, nhưng cũng còn vì Chúa đã sửa dạy ông, nhờ đó hôm nay ông không còn hồ nghi Chúa nữa nhưng vững tin hơn vào quyền năng Thiên Chúa.

Noi gương ông Dacaria, con cũng dâng lời chúc tụng Chúa vì những sự việc và biến cố Chúa dùng để sửa dạy con.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

 

Sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả (Lc 1, 57-66.80)

  1. Trong năm phụng vụ chỉ có ba lễ mừng Sinh nhật. Đó là giáng sinh của Đức Giêsu (25/12), sinh nhật của Đức Maria (8/9) và sinh nhật của Gioan Tẩy giả.

Như vậy, ngoại trừ Đức Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, chỉ có thánh Gioan Tẩy giả là vị thánh được mừng vào ngày sinh nhật của mình, ngày sinh ra trong trần thế: các đấng khác đều mừng vào ngày sinh nhật trên trời, tức là ngày chết. Lễ này đã có từ thế kỷ thứ V và đặt vào ngày 24/6, có nghĩa là 6 tháng trước ngày sinh nhật của Chúa Cứu Thế. Ngoài ra ngài còn được mừng một ngày nữa vào ngày 29/8 tức là ngày ngài bị chém đầu.

  1. Nhân ngày sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta cùng kiểm điểm lại xem chúng ta đã làm chứng cho Chúa như thế nào.

Có người Kitô hữu nào lại không được mời gọi làm chứng cho Chúa Kitô? Và làm sao có thể làm chứng nhân cho Chúa Kitô, nếu không kiên trì sống chết cho Đấng mình rao giảng. Nếu Gioan Tẩy giả cũng như các tiên tri đã nhận một ơn gọi rõ rệt và trực tiếp của Thiên Chúa, thì mỗi người chúng ta sinh vào đời và được tái sinh làm con Thiên Chúa qua bí tích Thánh tẩy, đều có chung một ơn gọi, một sứ mạng như các ngài, là loan báo Chúa Kitô cho mọi người và dọn đường chuẩn bị cho mọi người đến với Chúa Kitô bằng một đời sống âm thầm cầu nguyện, khiêm tốn phục vụ và nhiệt thành trong hoạt động tông đồ. Chúng ta cũng cần nhớ rằng: sứ mạng tiên tri thời nào cũng thế. Đức Giêsu, vị tiên tri làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đanh vào thập giá. Các thánh Tử đạo cũng làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đi, cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Thánh Gioan Tẩy giả được sinh ra và lớn lên trong bàn tay của Thiên Chúa đã sống đúng vai trò tiên tri dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

  1. Trong vai trò làm chứng nhân cho Chúa, chúng ta phải biết quên mình để chỉ tìm vinh quang Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho anh chị em đồng loại, làm cho Chúa lớn lên trong mọi người. Tất cả mọi hoạt động của chúng ta đều phải nhằm mục đích làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa, cho sự giải phóng của con người. Điều này có nghĩa là phải làm sao cho mỗi hành động của chúng ta làm nổi bật lên khuôn mặt của Chúa Kitô, chứ không phải tư lợi, hư danh hay uy tín của bản thân.
  2. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ là một người có chí khí hào hùng, thúc giục thanh niên phải phấn đấu không ngừng trong cuộc sống, phải lấy cái danh làm đích để ngắm, phải tạo lấy cái danh để lại cho hậu thế, đừng để uổng phí cuộc đời mình. Chính thi sĩ đã phải vật lộn với cuộc đời mình, từ ông quan đã phải xuống làm lính, rồi phấn đấu lại trở thành ông quan, mở mang ruộng đất giúp cho dân chúng miền Kim Sơn, Tiền Hải có một đời sống ấm no. Ông đã thành công. Danh của ông đã được vinh hiển và còn lưu lại mãi nơi người dân. Ông đã khẳng định:

Đã mang tiếng sống trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông (Nguyễn Công Trứ)

Trong việc phụng sự Chúa, chúng ta không cần làm vinh danh mình mà chỉ cần làm vinh danh Chúa. Thánh Inhaxiô Loyola, ông tổ của dòng Tên, đã nêu lên một khẩu hiệu rất ý nghĩa cho các tu sĩ của Dòng mình bằng mấy chữ viết tắt: AMDG (Ad Majorem Dei Gloriam): làm cho Chúa được vinh hiển hơn.

  1. Trong khi rao giảng Chúa cho người khác, chúng ta phải giới thiệu chính Chúa cho anh chị em, chứ không phải để phô trương bản thân mình. Để được như vậy, đòi hỏi nơi chúng ta nhiều can đảm, kiên trì và hy sinh. Phải sẵn sàng sống chết cho sứ mạng đã lãnh nhận. Gioan Tẩy giả chính là gương mẫu của người làm chứng và người dọn đường cho Chúa Kitô, gương mẫu của mỗi người Kitô hữu, của toàn thể Giáo hội trong vai trò làm chứng và rao giảng Đức Kitô của mình.

Vào một buổi trình diễn văn nghệ nọ, trong số đó có những người thợ mỏ, những người đàn ông, đàn bà, con trẻ…đang dự buổi trình diễn, người ta bỗng nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ con. Bỗng từ trong đám người thợ mỏ, người ta thấy một người có thân hình vạm vỡ, đầu tóc rậm rì, ông đứng lên ghế la lớn:

- Yêu cầu ban nhạc tạm ngưng một lúc, để chúng tôi nghe tiếng khóc của đứa bé. Biết bao nhiêu năm rồi tôi chưa được nghe những âm thanh kỳ diệu ấy.

Thế là cả ban nhạc và các ca sĩ đều dừng lại và tiếng đứa bé khóc càng lớn hơn. Người ta thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má của những người xa vợ, xa con, xa chồng…

Đại thi hào Victor Hugo của Pháp đã có lý khi nói: “Không gì buồn thảm cho bằng một ngôi nhà không có tiếng cười, tiếng khóc của những trẻ thơ”. Trẻ thơ là niềm vui, là hy vọng của con người. Người Mỹ thường nói: “Mỗi một trẻ thơ được sinh ra đều có thể làm Tổng Thống tương lai của Hoa kỳ”.

Thật thế, mỗi một đứa trẻ sinh ra đều là niềm vui, niềm hy vọng cho gia đình, cho dân tộc, cho quốc gia.

Quả thật! không kể Mẹ Maria, Thánh Gioan Tẩy giả là vị thánh duy nhất được Giáo hội mừng ngày sinh nhật. Ngày sinh của thánh Gioan sẽ loan báo một kỷ nguyên mới cho nhân loại mà Chúa Giêsu sẽ khai mở. Cha của ngài là một người câm, mẹ ngài là một người đàn bà già nua son sẻ. Trong bối cảnh đó, ngày chào đời của Thánh Gioan Tẩy giả loan báo rằng: thời của Đấng Cứu Thế đã đến, thời của sự câm lặng đã trở thành loan truyền của ơn cứu độ. Thời mà sự son sẻ đã trở thành đông con nhiều cháu. Ngày sinh của Gioan Tẩy giả là thời loan báo về ngày cứu độ. Lời loan báo mà Thánh Gioan đã không ngừng hô lớn trong những ngày sau này,  ngài chính là tiên tri của Chúa, ngài chính là đấng tiền hô của Chúa.

B. Mừng ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội cũng muốn nhắc nhở mỗi người Kitô hữu chúng ta về sứ mạng làm tiên tri và sứ giả của mình. Ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả mời gọi chúng ta nhớ lại ngày được tái sinh của mỗi người chúng ta.

Nhờ phép rửa, chúng ta đã trở thành ngôn sứ loan báo hồng ân cứu độ của Chúa. Ngọn nến Giáo Hội trao cho chúng ta trong ngày lãnh phép rửa là biểu trưng cho ánh sáng mà chúng ta phải không ngừng chiếu tỏa ra xung quanh. Dù sống trong hoàn cảnh nào, người tín hữu Kitô chúng ta cũng phải có sứ mệnh chiếu toả ánh sáng ấy (Mt 5, 16).

Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.

C. Mừng ngày sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta cũng còn phải nhớ lại con đường Ngài đã đi qua, con đường ấy được Ngài tóm gọn trong khẩu hiệu: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”(Ga 3, 30).

Đức thánh cha Gioan XXIII bước lên ngai tòa thánh Phêrô. Để điều khiển Hội Thánh vào ngày 28-10-1958. Và trong phiên họp đầu tiên, Ngài đã hỏi các đức giám mục và linh mục rằng:

- Đâu là mục đích của đời sống người công giáo?

Các đức giám mục và linh mục đều thưa lại câu giáo lý đã học từ nhỏ:

- Mục đích của đời sống người công giáo là nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa trong cuộc sống đời này, để được hạnh phúc với Chúa đời đời trên thiên đàng mai sau.

Nghe thế Đức thánh cha Gioan XXIII mỉm cười. Rồi Ngài lắc đầu đáp:

- Quí đức cha và quí cha, đã trả lời trúng câu giáo lý từ xưa đến nay: mục đích yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Vậy câu giáo lý hoàn toàn đầy đủ là phải thưa thế này: “Mục đích của đời sống người công giáo là phải nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa, rồi còn phải giúp đỡ người khác nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa nữa”. (Góp nhặt IV, 39). Qua những lời trên đây, đức Gioan XXIII có ý dạy chúng ta rằng: “là con cái của Chúa, không những chúng ta phải giữ đạo, mà chúng ta còn có bổn phận phải truyền đạo nữa.  Truyền đạo là làm cho Chúa Giêsu được lớn lên như Lời Chúa truyền cho các môn đệ của Người trước khi về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, “ (Mt 28, 20

Chúng ta không được phép vào thiên đàng một mình, mà chúng ta còn phải đưa người khác vào thiên đàng nữa. Nghĩa là chúng ta phải làm việc truyền giáo. Truyền giáo cho người ngoại mà truyền giáo cho những người đã bỏ đạo. vì theo báo “đức tin và vô thần trong thế giới” (La foi et l’Athéisme trg 33) tại nước Ý, nơi có tòa thánh Vatican của đức giáo hoàng, chỉ còn 15% giữ đạo thực sự. Và theo báo Figaro (05-01-1990) tại nước Pháp chỉ còn 12% đi lễ chủ nhật. Tài liệu của hội đồng giám mục Phi châu và Madagascar cho biết: tại Bazil, mỗi năm 600.000 người bỏ đạo công giáo để gia nhập các giáo phái khác. Ở Đức 200.000 người bỏ đạo công giáo để khỏi phải nộp thuế tôn giáo. Vậy chúng ta phải truyền giáo bằng chính việc giữ đạo của chúng ta, truyền giáo không phải là mua chuộc, truyền giáo không phải là ép buộc, truyền giáo là giới thiệu một tình yêu, là giới thiệu người mình yêu cho người khác, nên chúng ta phải truyền giáo theo lời Chúa dạy: “các con là sự sáng thế gian” (Mt 5, 13) Tóm lại, truyền giáo là làm cho Chúa được lớn lên mỗi ngày trên trái đất này.

Theo lời tường thuật của cha Engel, một bé gái 12 tuổi bị bệnh nặng phải đem vào bệnh viện. Theo sự khám nghiệm của các bác sĩ, em bé  chỉ có hy vọng được cứu sống, khi đã chịu một cuộc giải phẫu. Vậy trước khi chích thuốc mê, bác sĩ có nói rằng:

- Em cần phải ngủ một chút, thì bác sĩ mới chữa bệnh được.

Nghe thế, em bé liền thưa:

- Thưa bác sĩ, nếu cần phải ngủ, xin bác sĩ cho cháu được cầu nguyện với Chúa mấy phút đã, vì ba má cháu có dặn rằng: trước khi ngủ, bao giờ cũng phải cầu nguyện để Chúa cho ngủ bình an, và để Chúa thánh hóa giấc ngủ, cho giấc ngủ thành phương tiện lập công.

Nói xong, em quì lên giường, làm dấu thánh giá, hai tay chắp trước ngực, mắt nhìn lên trời, đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, một kinh Sáng danh; rồi em kết thúc việc cầu nguyện bằng câu: xin Chúa cho con được chóng lành bệnh.

Em cầu nguyện rất sốt sắng làm cho bác sĩ phải cảm động mà khóc lên. Ông phải chạy ra hè mà lau nước mắt. Sáng hôm sau, tỉnh dậy, em bé hỏi bác sĩ:

- Thưa bác sĩ, cháu có được lành bệnh không?

Bác sĩ trả lời:

- Bác tin tưởng lời cầu nguyện của cháu sẽ làm cho cuộc giải phẫu được kết quả. Nhưng bác phải thú nhận rằng: lời cầu nguyện của cháu đã cứu chữa được bác, vì đã mười năm nay bác đã bỏ đạo, không cầu nguyện, không dự thánh lễ Chúa nhật. Nhưng hôm qua thấy cháu cầu nguyện sốt sắng, nên cả đêm bác đã bắt đầu giữ đạo lại, đã xét mình ăn năn, sáng nay bác đã đi xưng tội và rước lễ.

Vậy mỗi khi hy sinh cầu nguyện sốt sắng, là làm việc truyền giáo, là cứu các linh hồn cho Chúa. Làm như vậy là Chúa đã được lớn lên. Amen.


Tin liên quan

Linh mục CHÁNH XỨ

Linh mục CHÁNH XỨ

Cha Vinh Sơn

Nguyễn Văn Hồng

Từ năm 2022

Linh mục PHỤ TÁ

Linh mục PHỤ TÁ

Cha Giuse

Phạm Việt Dũng

Từ năm 2022

Copyright © Giáo xứ Tân Sa Châu
Thiết kế website bởi Công ty Cổ phần Phần Mềm Zozo