Lời Chúa và cuộc sống: Thứ Tư tuần 34 Thường niên (+video)

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.
(Lc 21,19)

 

 

Trong văn mạch diễn từ chung luận, Chúa Giêsu báo trước cho môn đệ mình biết rằng, có một thời kỳ Giáo Hội sẽ bị bắt bớ. Rồi Ngài cho họ biết, phải sống thế nào trong thời kỳ đó: Đó là đừng sợ khi bị bắt bớ và thù ghét, vì vẫn có Chúa quan phòng trong tất cả những hoàn cảnh éo le đó và phải kiên trì.

 

1. Patric bon Chasteur, người đã bị Đức Quốc xã tra tấn cầm tù vì tội chống lại sự tàn bạo của Hitler hồi thế chiến thứ II, trong tác phẩm thời danh của ông với tựa đề: “Cái giá những người môn đệ Chúa phải trả”, đã viết: “Khổ đau là phù hiệu của những người môn đệ Chúa Giêsu”.

Luther, một trong những người đã ly khai khỏi Giáo Hội Công giáo, khi định nghĩa về Giáo Hội cũng nói: “Giáo Hội là cộng đoàn của những người chịu đau khổ, chịu chết vì Đức Kitô và vì Tin Mừng”.

Người môn đệ Chúa Giêsu không được coi gian nan thử thách như một cực hình, nhưng phải coi đó là những cơ hội để làm chứng.

Ông Jacques Bouroche là một người ngoài công giáo, trước khi được ơn trở lại, ông hằng ước ao chứng kiến đời sống thánh thiện của đức giám mục François Fénelon (1651-1715)

Ngày kia ông đã liên lạc được với vị giám mục thời danh và xin Ngài cho ông được tới thăm Ngài một thời gian.

Vị giám mục đã niềm nở đón tiếp và đối xử ân cần đến nỗi Jacques Bouroche còn thấy thoải mái hơn cả ở nhà mình. Tuy nhiên, chỉ lưu lại được vài ngày, ông đã thu dọn hành lý, chào vị giám mục và ra đi trước thời hạn dự định.

 Khi được hỏi tại sao ông lại vội vàng bỏ đi như vậy, ông Jacques Bouroche đã thú nhận:

“Tôi không thể ở lại lâu hơn. Vì nếu còn ở lại, sớm muộn gì tôi cũng sẽ theo đạo công giáo mất, một điều mà hiện tại bản thân tôi chưa muốn”.

Chúng ta hãy nhớ lời của Chúa Giêsu: “Chúng con hãy làm chứng!” (Lc 21,13)

Đó là ơn gọi, là sứ mệnh, là căn tính, là lý do hiện hữu của người Kitô chúng ta.

 

2. Và cuối cùng, là phải kiên trì.

Chúa mời gọi chúng ta dấn bước vào con đường hẹp vừa dài vừa xa vạn dặm. Con đường về thiên quốc dài dằng dặc, có khi phải đi bằng cả cuộc đời của mình. Chẳng những dài, mà còn là con đường hẹp nữa, cho nên đòi hỏi họ phải kiên trì.

 

Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ đã kể lại câu chuyện sau đây:

Một hôm, trên một quãng đường vắng, ông thấy một người đàn bà nằm phủ phục sát đất. Đây là một cử chỉ khá quen thuộc trong những cuộc hành hương ở Ấn Độ.

Sau một lúc, người đàn bà đứng dậy đi mấy bước rồi lại phủ phục trên mặt đường. Trên một quãng đường ngắn, người đàn bà đã phủ phục như thế đến bảy, tám lần.

Thấy thế, nhà truyền giáo mới đứng lại gợi chuyện. Ông hỏi:

- Bà đi về đâu vậy ?

Người đàn bà giơ tay chỉ về hướng Hy-Mã-Lạp Sơn và nêu tên của một ngôi đền nổi tiếng ở đó. Theo bà giải thích, thì tại đây khi sấm chớp nổi lên, Thiên Chúa sẽ biểu dương quyền uy của Người phía dưới thung lũng.

Như vậy, từ đây cho đến ngôi đền đó, người đàn bà phải vừa đi vừa phủ phục như thế trên cả ngàn dặm. Khi được hỏi bà làm như vậy với mục đích gì, Người đàn bà trả lời ngắn gọn và quả quyết như sau: “Để được thấy Chúa”.

Cử chỉ của người đàn bà Ấn Độ trong câu chuyện trên đây có thể gợi lên cho chúng ta hình ảnh của một cuộc chiến đấu.

Để được thấy Chúa, người tín đồ Ấn giáo trên đây sẵn lòng chấp nhận một cuộc hành trình gian khổ hầu như quá sức con người. Thế nhưng, lòng khát khao được thấy Chúa và niềm hy vọng mãnh liệt sẽ được gặp Ngài đã khiến người tín đồ ấy can trường tiến bước, kiên trì phủ phục trên con đường cả ngàn dặm như thế, thật đáng cho chúng ta nể phục.

Muốn được hưởng vinh quang với Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải biết can đảm và kiên trì như vậy.

Không có một phần thưởng nào mà không phải trả giá. Không có môt vinh quang nào mà không ướt đẫm mồ hôi.

 

Đây là những lời trích từ sách Gương Chúa Giêsu:

“Có rất nhiều người muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít người muốn vác khổ giá với Chúa.

Nhiều người muốn ngồi ăn với Chúa, nhưng ít người muốn bắt chước đức nhiệm nhặt của Chúa.

Ai cũng muốn vui hưởng với Chúa mà ít người muốn chịu khó vì Chúa.

Nhiều người theo Chúa đến lúc bẻ bánh, nhưng ít ai chịu được cảnh nhục nhã của Thánh giá.

Nhiều người ca tụng Chúa khi được Chúa ban yên ủi.

Nhưng, nếu Chúa lánh đi và bỏ họ một tí, là y như họ phàn nàn hay nản chí luôn”.

Lạy Chúa,

Chúa đã chịu chết và sống lại,

xin dạy chúng con biết chiến đấu

trong cuộc chiến mỗi ngày

để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì

nhận lấy những thất bại trong cuộc đời

cũng như mọi đau khổ của Thập Giá.

Ước gì từ nay, không gì có thể

làm cho chúng con xa Chúa. Amen.


Tin liên quan

Linh mục CHÁNH XỨ

Linh mục CHÁNH XỨ

Cha Vinh Sơn

Nguyễn Văn Hồng

Từ năm 2022

Linh mục PHỤ TÁ

Linh mục PHỤ TÁ

Cha Giuse

Phạm Việt Dũng

Từ năm 2022

Copyright © Giáo xứ Tân Sa Châu
Thiết kế website bởi Công ty Cổ phần Phần Mềm Zozo