Chúa trong cuộc đời: Quà tặng của Chúa - Chiếc mền nhung phủ ấm tim con
TGPSG -- Món quà ấy chính là tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện nơi tình yêu thương của bố mẹ, của người thân…
Nhớ về mùa Vọng 18 năm trước
Đang hì hục đạp xe giữa buổi trưa khói bụi, nắng bức, bỗng tôi nghe đâu đó vang lên âm thanh du dương, êm ái của bài thánh ca mùa Vọng, xen lẫn tiếng còi xe nhức nhối, inh ỏi của Sài thành: “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tôi…”
Tôi đạp xe thật chậm, cố lắng tai nghe, bất giác hình ảnh về chiếc mền nhung - món quà mà tôi hết sức trân quí và luôn mang theo bên mình - xâm chiếm tâm trí tôi.
Chẳng phải vô tình hay ngẫu nhiên mà khi nghe giai điệu bài hát, tôi lại nhớ về chiếc mền. Những bài hát ấy, giai điệu ấy, nhắc tôi nhớ về mùa Vọng của 18 năm trước, anh chị em chúng tôi lần đầu tiên được bố mẹ sắm cho mỗi người một chiếc mền nhung để chống chọi với cái lạnh của núi rừng.
Chiếc mền nhung - có lẽ ai cũng có cho riêng mình một hoặc rất nhiều cái. Có thể đối với người khác, nó không phải là một vật mang giá trị lớn lao gì. Nhưng đối với tôi, nó là cả một khối gia tài. Giá trị của nó không đo bằng số tiền mua được nhưng bằng tình yêu. Nó là món quà vô cùng giá trị và ý nghĩa, bởi nó gói ghém tình yêu sâu thẳm, vô bờ bến của bố mẹ dành cho chúng tôi. Và nó lưu giữ, chất chứa biết bao kỷ niệm về tuổi thơ, về gia đình của tôi.
Mỗi khi cuộn mình trong chiếc mền tôi luôn cảm thấy bồi hồi, xao xuyến. Từng kỷ niệm hiện ra mồn một, rõ ràng trước mắt tôi, như một thước phim quay chậm. Tôi có cảm tưởng như mình đang trở về lại những tháng ngày còn bé, một lần nữa, tận hưởng khoảnh khắc tuyệt vời khi nhận được món quà là chiếc mền nhung ấm áp.
Thời thơ ấu nơi đại ngàn
Vâng, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 9 anh chị em nơi cao nguyên Kon Tum đại ngàn. Thiếu ăn, thiếu mặc dường như là điều chưa bao giờ vắng bóng trong ngôi làng của tôi.
Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Tôi đã sớm hiểu được cảm giác khi đi học về, mở nắp nồi ra mà không có một hạt gạo là như thế nào. Tôi cũng từng rất thấm cái lạnh cóng như bị lưỡi dao sắc bén cứa vào từng lớp da thớ thịt ra sao, mỗi khi Đông về.
Được mặc áo ấm hay cuộn mình trong chiếc mền dày cộm ấm áp, đối với chúng tôi, là một giấc mơ xa xỉ. Chúng tôi thường trải qua mùa Đông bên bếp lửa bập bùng trong ngôi nhà sàn vách nứa thô sơ, quây quần, chen chúc nhau ngủ quanh bếp lửa đầy khói, nhưng thắm đượm tình thương mến thương.
Mùa Đông trên Tây Nguyên có lẽ không lạnh bằng miền Bắc. Nhưng mỗi khi Đông về lại kéo theo những cơn mưa phùn phảng phất, cùng những cơn gió vô tình, lạnh lẽo ùa vào trong ngôi nhà sàn, tung tăng múa nhảy khiến anh chị em chúng tôi lạnh run người. Hai hàm răng cứ thế va vào nhau cầm cập. Lúc đó chúng tôi lại giành nhau những chiếc mền mỏng dính để đắp thêm cho ấm. Có lúc chúng tôi đánh nhau để có được chúng. Hẳn nhiên chiếc roi của mẹ sẽ lập tức in vào mông của từng người. Và kết quả là, chúng tôi đắp chung một cái mền, rồi ngủ cạnh nhau bên bếp lửa.
Và rồi một hôm, bỗng dưng mẹ mang về cho chúng tôi mỗi người một chiếc mền nhung đẹp đẽ, ấm áp, đủ các sắc màu. Nhìn thấy chúng, anh chị em chúng tôi mừng vui ríu rít như Tết đến. Ngôi nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười. Hạnh phúc thật giản đơn.
Để mua được những chiếc mền ấy, tôi biết bố mẹ đã rất cực khổ, vất vả lên rừng kiếm gỗ trắc bán lấy tiền. Những ai đã từng làm công việc ấy mới biết được nó cực nhọc và khó khăn đến nhường nào.
Lên rừng tìm trắc
Tôi vẫn còn nhớ vào khoảng những năm 2007- 2008, có rất nhiều người từ thành phố vào trong các buôn làng của chúng tôi để tìm và mua cây gỗ trắc hoặc rễ trắc với giá khá cao, tạo nên cơn sốt đào rễ trắc trong làng của tôi.
Sáng sớm tinh mơ, khi gà vừa kịp gáy, đã có từng nhóm người í ới gọi nhau lên rừng tìm trắc, để mong có một chút tiền trang trải cho cuộc sống.
Sau một ngày cực nhọc, lúc mặt trời đã ngả bóng và khuất dần sau rặng núi, chỉ còn lại những tia nắng yếu ớt len lỏi qua tán lá, thì xa xa đoàn người ấy lại thong thả trở về nhà. Có những tiếng cười nói rôm rả bởi một ngày bội thu. Nhưng cũng có những gương mặt thất vọng, mệt mỏi lê gót trở về nhà với hai bàn tay trắng.
Bố mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Ông bà cũng hòa vào dòng người ấy để mưu sinh, để nuôi nấng chúng tôi.
Có một lần được nghỉ học, tôi theo bố mẹ vào rừng kiếm rễ trắc, tôi mới biết được bố mẹ tôi vất vả thế nào. Để kiếm được cây trắc (những cây này đã bị chặt phá chỉ còn lại bộ rễ nằm sâu dưới lòng đất), bố mẹ phải leo lên những ngọn đồi cao. Khi tìm được rồi, việc đầu tiên là đào đất lên để lấy được tất cả các bộ rễ ra ngoài.
Hẳn ai cũng biết trắc là cây có gỗ rất cứng và đẹp. Đặc biệt là nó có bộ rễ cọc, mọc rất sâu. Vì thế, để đào nó lên giữa biết bao rễ cây khác, sẽ rất khó khăn và cực nhọc.
Sau khi đã đào rễ cây lên, bố mẹ lại cặm cụi cạo sạch lớp vỏ cứng cáp bên ngoài đến khi nào lộ ra lõi màu nâu đỏ bên trong thì mới thôi.
Sau khi đã làm xong tất cả, bố mẹ bắt đầu xuống núi, trên đôi vai gầy nhấp nhô là rễ trắc nặng trịch. Có những hôm khoảng 9 giờ tối, bố mẹ mới về tới nhà, mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi lấm lem bùn đất, đôi bàn tay gầy guộc, chai lỳ sần sùi.
Vì tôi biết được, để mua tặng cho chúng tôi mỗi người một chiếc mền, bố mẹ đã hi sinh rất nhiều, nên khi cầm chiếc mền trên tay, nước mắt tôi chực trào ra. Chiếc mền nhung mềm mại, ấm áp mà tôi đang cầm đã được đánh đổi bằng gian lao vất vả như thế đấy!
Tôi sung sướng, vui mừng ngắm nghía “tài sản” của mình. Càng nhìn, tôi càng thấy nó đẹp làm sao! Chiếc mền được làm bằng hai lớp vải nhung mềm mịn màu hồng, với những họa tiết độc đáo, đẹp mắt. Khi chạm vào nó, một cảm giác mềm mại mơn man khắp da thịt. Khi đắp lên người và cuộn mình trong đó, sẽ có cảm giác ấm áp như đang được nằm cạnh bếp lửa của mẹ.
Chiếc mền vẫn còn đó
Thế nhưng với thời gian, không có gì là bền vững cả. Mặc dù tôi gìn giữ rất cẩn thận nhưng chiếc mền đẹp nhất ngày xưa cũng đến lúc phải cũ đi. Nó đã trở nên già nua, xấu xí. Màu hồng tràn trề sức sống ngày ấy, giờ đã ngả sang màu đất xám xịt. Khi đắp lên, cảm giác dễ chịu, ấm áp cũng không còn nữa. Nhưng sự ấm áp sâu thẳm nơi trái tim khi nhìn thấy, sờ chạm vào nó thì vẫn luôn thường trực.
Chiếc mền vẫn còn đó, vẫn như người bạn bên cạnh tôi, chứng kiến tôi lớn lên, nhìn thấy những hi sinh vất vả, nhọc nhằn của bố mẹ và là dấu chứng cho tình yêu thiêng liêng mà bố mẹ dành cho chúng tôi.
Dẫu rằng ngày nay trên thị trường, có vô vàn chiếc chăn bông, chiếc mền với mẫu mã phong phú, đẹp mắt, được làm bằng chất liệu cao cấp như lông vũ, bông gòn, vải nhung… có giá cả phải chăng, được nhiều người ưa chuộng, nhất là trong những ngày Đông đang gần kề. Nhưng đối với tôi, chiếc mền bố mẹ cho vẫn là đẹp nhất, quý nhất.
Chiếc mền không đơn thuần giữ ấm cho cơ thể mà còn mặc lấy một sứ mệnh cao cả hơn là bồi dưỡng tâm hồn tôi bằng những hồi ức đẹp đẽ, ngọt ngào, làm cho tình yêu gia đình trở nên sống động.
Nhìn thấy chiếc mền, tôi cảm thấy ngập tràn hạnh phúc, không phải vì được sở hữu nó nên tôi vui sướng, nhưng nó là hiện thân của tình yêu gia đình, của tuổi thơ khó nhọc nhưng êm đềm. Sự ấm áp của chiếc mền mang đến không hệ tại ở chất liệu vải tốt hay độ dày của nó, nhưng là hơi ấm của tình thân.
Bây giờ để có được một chiếc mền nhung đẹp đẽ ấm áp, không còn quá khó khăn nữa, kể cả với những người vùng cao như ở quê tôi. Nhưng tôi vẫn luôn mang theo chiếc mền cũ kỹ bên mình là vì nó có một ý nghĩa đặc biệt. Nó nhắc nhớ tôi về những ký ức tươi đẹp để biết trân trọng, tạ ơn về những gì mình đã và đang có được.
Tôi vẫn luôn mang nó theo bên mình, không phải vì cộng đoàn không có mền cho tôi dùng, nhưng vì tôi không nỡ bỏ lại kỷ vật đã cùng tôi và gia đình trải qua những biến cố vui, buồn, thăng trầm của cuộc sống.
Mỗi khi đêm về, tôi lại cuộn mình trong chiếc mền cũ ấy, để một lần nữa, được thấy bóng dáng hao gầy của bố với đôi chân trần rảo khắp núi rừng, mong cho con no cơm ấm áo; được chìm ngập trong tình yêu thương ấm áp dịu dàng của mẹ; để rồi tôi nhận ra cuộc đời tôi là một chuỗi hồng ân.
Quà tặng của Chúa
Thật vậy, Thiên Chúa đã yêu tôi bằng tình yêu thật lạ lùng. Người hiện diện bên tôi, ẩn khuất nhưng thiêng liêng sống động. Người đã gửi đến cho tôi những món quà vô giá. Những món quà vật chất người ta dành cho nhau thường mang một giới hạn nhất định, nhưng quà tặng của Thiên Chúa dành cho tôi thì vô hạn. Món quà ấy chính là tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện cách sinh động nơi quê hương tôi, chất chứa trong sự hiện diện và tình yêu thương của bố mẹ, của người thân…
Chiếc mền nhung có vẻ rất tầm thường ấy chính là biểu hiện của tình yêu tuyệt vời và là dấu chứng cho thấy Chúa luôn song hành cùng tôi. Tôi xin tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu mà Người đã thực hiện cho tôi.
Maria Gabriel Y Hôn (TGPSG)
Tin liên quan
- Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và những ước nguyện
- GIÁO HỘI: Ca nguyện Cùng Bước 4: “Những người hành hương của hy vọng”
- ĐỨC GIÁO HOÀNG: Tiếp Kiến chung 23/10: Hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần bảo vệ hôn nhân và con cái của bạn
- Tin tức Giáo Hội: Đức Thánh Cha thêm Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia vào danh sách tân Hồng y
- Tin Giáo Hội: Linh vật biểu tượng của Năm thánh 2025
- Mừng lễ Các Thánh và những ước nguyện
- Chứng nhân thời đại: Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu
- Tin Giáo Hội: Sáu chủ đề chính trong Thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô về Thánh Tâm
- Lễ Các Thánh và Các Đẳng: Hành trình về phía bên kia
- Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ