Giải đáp phụng vụ: Khi cử hành Thánh lễ, tại sao chúng ta đọc bài đọc I, bài đọc II, đáp ca và bài Tin mừng?

 

Thánh lễ có hai phần chính: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Đây là hai bàn tiệc: Lời Chúa và Thánh Thể, mà Thiên Chúa dọn ra cho dân của Ngài. Bài đọc I, bài đọc II, đáp ca và bài Tin Mừng làm nên phần Phụng vụ Lời Chúa.

1. Ý nghĩa bài đọc I

Phụng vụ Lời Chúa của Ki-tô giáo kế thừa Phụng vụ Lời Chúa tại hội đường của Do thái giáo. Trong lịch sử, phụng vụ Tây phương nói chung và Rô-ma nói riêng ban đầu đọc ba bài: Ngôn sứ, Tông đồ và Tin Mừng, nhưng sau đó chỉ đọc hai bài. Vì thế, các tín hữu không được nghe các bài đọc Cựu ước. Công đồng Va-ti-ca-nô II mong muốn “để Bàn tiệc Lời Chúa được phong phú hơn cho các tín hữu, phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn để trong một số năm ấn định đọc cho dân chúng nghe phần quan trọng của Thánh Kinh” (Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Phụng vụ, số 51). 

Các lễ trọng và các lễ Chúa nhật, phụng vụ hiện nay đọc ba bài. Bài đọc I lấy từ Cựu ước, ngoại trừ mùa Phục sinh, bài đọc I lấy từ sách Công vụ Tông đồ. Cựu ước được Giáo hội đón nhận với lòng tôn kính vì là “giáo huấn đích thực của Thiên Chúa” (x. Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Dei Verbum, số 16). Tân ước đã tiềm ẩn trong Cựu ước và trong Tân ước, Cựu ước được sáng tỏ (x. Ordo Lectionum Missae – Mục lục các bài đọc trong Thánh lễ, số 5). Thật vậy, không thể hiểu đầy đủ về Chúa Giê-su và các sách Tân ước nếu như không biết các sách Cựu ước.

Bài đọc I thường liên kết với bài Tin Mừng theo chủ đề, hoặc phản ánh tính liên tục giữa Cựu ước và Tin Mừng, hoặc Cựu ước chứa đựng những hình ảnh tiên trưng về Chúa Ki-tô và Giáo hội.

Khi đọc xong bài đọc I, người đọc sách xướng: “Đó là Lời Chúa”. Đây là lời công bố và cũng là lời nhắc nhở, thật kỳ diệu, chúng ta, mặc dầu là phàm nhân nhưng được nghe Lời Chúa.

Cộng đoàn đáp: “Tạ ơn Chúa”. Tạ ơn Chúa là hành vi thờ phượng phổ biến trong Kinh Thánh Cựu ước (x. Tv 42,4; 95,2) và Tân ước (x. Cl 2,7). Chúng ta tạ ơn Chúa vì được nghe Lời Chúa, nhất là Chúa đã cứu chuộc và thánh hóa chúng ta.

2. Ý nghĩa Thánh vịnh Đáp ca

Sau mỗi bài đọc, cần có những giây phút ngưng nghỉ để suy gẫm về nội dung bài đọc hoặc làm một việc nào đó để đáp lại những điều vừa nghe. Trong Thánh lễ và Kinh Phụng vụ, các ca khúc được sử dụng để làm công việc này là Ca tiến cấp (Graduale), Đáp ca (Responsum), Alleluia, Ca liên xướng (Tractus), Ca tiếp liên (Sequentia). Các ca khúc này khác với ca nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ, trước đây, thường do các thầy năm hoặc thầy sáu hoặc một ca viên độc xướng, trong khi ca nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ do ca đoàn thực hiện (x. Ordo Lectionum Missae – Mục lục các bài đọc trong Thánh lễ, số 19-22).

Thánh vịnh Đáp ca hay Ca tiến cấp ?

Thói quen hát Thánh vịnh hay một thánh ca Thánh Kinh sau bài đọc đã có từ hội đường Do thái. Giáo hội du nhập thói quen này vào cử hành Thánh lễ.

Thánh Ter-tu-li-a-nô (155-220) đã viết: “Trước tiên, chúng tôi nghe đọc một đoạn sách các Tông đồ, rồi hát một Thánh vịnh, và cuối cùng nghe đọc bài Tin Mừng về mười người phong cùi” (x. Tertulianus, De anima, c. 3). Trong cuốn Tường thuật về các Thánh vịnh, thánh Au-gus-ti-nô cũng viết: “Chúng tôi nghe hát Thánh vịnh, và chúng tôi đáp lại bằng những câu ngắn” (x. Augustino, Enarrationes in psalmos, 119, no 1).

Thời Đức Giáo hoàng Lê-ô Cả (400-461) thường hát cả Thánh vịnh với cách hát bình dân. Dân chúng tham gia bằng những câu đáp sau mỗi đoạn, rồi dần dần, Thánh vịnh bị rút ngắn lại chỉ còn một hai câu và bị biến thành những bài ca khó hát, chỉ có các ca sĩ chuyên nghiệp mới có thể hát. Bài ca này, ban đầu được gọi là Responsum, rồi Responsorium (Đáp ca). Trong cuốn Graduale Romanum, nó được gọi là Graduale (ca tiến cấp), vì khi hát, ca viên phải đứng trên bậc giảng đài.

Mục đích của ca khúc này nhằm thay đổi “bầu khí” sau bài đọc và giúp dân chúng tham dự bằng các câu đối đáp. Ngày nay, bài ca này được coi như lời đáp của dân chúng sau khi họ nghe Lời Chúa. Vì thế, ngày nay, bài ca này được gọi Thánh vịnh Đáp ca.

3. Ý nghĩa bài đọc II

Bài đọc II lấy ra từ Tân Ước: Sách Công vụ Tông đồ, thư của các thánh Tông đồ, sách Khải huyền. Bài đọc II thường độc lập với bài đọc I và bài Tin Mừng nhưng suy tư về Chúa Ki-tô và công trình cứu chuộc của Ngài. Từ bài đọc II, có thể rút ra những áp dụng thực hành cho đời sống của chúng ta hoặc khích lệ chúng ta xa tránh tội lỗi và mặc lấy Chúa Ki-tô.

4. Ý nghĩa bài Tin Mừng?

Toàn bộ Kinh Thánh được linh hứng. Tuy nhiên, các sách Tin Mừng “chiếm địa vị ưu đẳng, vì Tin Mừng là chứng tá chính yếu về đời sống và giáo lý của Ngôi Lời Nhập thể, Đấng Cứu Chuộc chúng ta” (Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Dei Verbum, số 18). Do đó, phụng vụ dành cho bài Tin Mừng sự tôn kính đặc biệt so với các bài Sách Thánh khác. Sự tôn kính được biểu lộ qua các cử chỉ sau:

– Đứng: Đứng là cử chỉ diễn tả sự tôn kính. Dân Ít-ra-en đứng khi nghe ông Ét-ra đọc sách Luật (x. Nkm 8,5). Các Ki-tô hữu đứng để chào đón Chúa Giê-su, Đấng sắp được công bố trong bài Tin Mừng, đồng thời bày tỏ lòng tôn kính và sẵn sàng lắng nghe Lời Ngài.

– Alleluia: Alleluia nghĩa là “Chúc tụng Đức Gia-vê”, “Chúc tụng Đức Chúa”. Lời này là một cách diễn tả niềm vui của dân Ít-ra-en. Lời này cũng được đọc vào lúc khởi đầu và kết thúc nhiều Thánh vịnh (x. Tv 104-106; 111-113; 115-117; 146-150), được các thiên thần dùng để ca tụng Thiên Chúa vì công trình cứu chuộc của Ngài và loan báo Chúa Ki-tô đến với dân Ngài trong tiệc cưới Con Chiên (x. Kh 19,1-9). Thật phù hợp, lời này được dùng để chào đón Chúa Giê-su sẽ đến với chúng ta qua bài Tin Mừng.

– Rước: Khi bắt đầu hát Alleluia, Phó tế hoặc Linh mục và những người giúp lễ mang nến, hương bắt đầu rước Tin Mừng từ bàn thờ ra tòa giảng. Để xứng đáng công bố Tin Mừng, Linh mục cầu nguyện thầm trước bàn thờ: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn và môi miệng con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa”. Nếu thầy Phó tế công bố Tin Mừng, vị chủ sự Thánh lễ sẽ chúc lành cho thầy: “Xin Chúa ngự nơi tâm hồn và môi miệng thầy, để thầy xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa: Nhân danh Cha + và Con và Thánh Thần”. Lời nguyện này nhắc lại việc, môi miệng tiên tri I-sai-a được thanh tẩy trước khi ông công bố Lời Chúa cho dân Ít-ra-en (x. Is 6,1-9).

– Dấu Thánh Giá: Sau lời chào: “Chúa ở cùng anh chị em”, cộng đoàn liền đáp: “Và ở cùng cha (thầy)”. Sau đó, Linh mục hoặc Phó tế làm dấu Thánh Giá trên sách, trên trán, trên miệng và trên ngực. Cộng đoàn cũng ghi dấu Thánh giá như vậy. Qua các cử chỉ này, chúng ta hiến dâng cho Chúa tư tưởng, lời nói và việc làm, đồng thời xin Lời Ngài luôn ở trong tâm trí, môi miệng và tâm hồn chúng ta (x. Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 134).

Tất cả các nghi thức nêu trên cho thấy, chúng ta đang trải qua những giây phút thánh thiêng nhất của Thánh lễ, đó là lúc Tin Mừng được công bố. Bài Tin Mừng không phải là bản văn ghi lại các sự kiện trong quá khứ. Nhưng khi Tin Mừng được công bố, chính Chúa Ki-tô hiện diện và nói với chúng ta (x. Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 29), Ngài nói riêng với từng người trong chúng ta.

Lm. Giu-se Đào Hữu Thọ


Tin liên quan

Linh mục CHÁNH XỨ

Linh mục CHÁNH XỨ

Cha Vinh Sơn

Nguyễn Văn Hồng

Từ năm 2022

Linh mục PHỤ TÁ

Linh mục PHỤ TÁ

Cha Giuse

Phạm Việt Dũng

Từ năm 2022

Copyright © Giáo xứ Tân Sa Châu
Thiết kế website bởi Công ty Cổ phần Phần Mềm Zozo