Suy tư: Bàn thờ Chúa trong gia đình Công Giáo

“Thưa cha, con là người lương dân. Con lấy nhà con khi người vợ đầu của nhà con qua đời. Chồng con có hai con trai. Con sinh được hai cháu gái. Chồng con gốc đạo nhưng cũng bỏ nhà thờ lâu năm rồi. Khi lấy con, chúng con cũng không có phép đạo. Giờ nhà con muốn quay trở lại đạo. Con băn khoăn điều này nên muốn chia sẻ cùng cha, xin cha dạy con làm thế nào cho phải. Con theo bên lương từ nhỏ nên trong nhà con có bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên. Con đã quen với việc làm bên con. Giờ nhà con trở lại đạo thì đúng ra con phải lập bàn thờ Chúa cho chồng con. Nhưng vì chồng con cũng không thuộc kinh kệ gì. Con cũng không biết thờ lạy thế nào nên con không dám lập bàn thờ Chúa. Con sợ không thờ Chúa cho phải thì Chúa lại phạt gia đình con.”

 

Đây là tâm sự của một người lương dân đến gặp tôi chiều nay. Bà đến gặp tôi để lo việc trở lại đạo của chồng. Tâm sự của bà khiến tôi bị đánh động nhiều. Bà băn khoăn không dám lập bàn thờ Chúa trong gia đình vì sợ không biết thờ phượng thế nào cho đúng cách. Bà chỉ quen với việc thờ cúng bên Phật. Tôi băn khoăn và tự hỏi không biết có bao nhiêu gia đình Công giáo lập bàn thờ Chúa mà ý thức được việc đọc kinh cầu nguyện thờ phượng Chúa cho phải đạo? Không biết họ lập bàn thờ để thờ Chúa hay lập ra chỉ để cho mọi người biết là mình có đạo? Có lẽ không ít gia đình ngày hôm nay không còn đọc kinh cầu nguyện nữa. Bàn thờ Chúa có khi để lạnh ngắt, có khi để cho mạng nhện và bụi bẩn bám đầy.

Trong các gia đình Việt, không có một gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên. Mồng một ngày rằm, họ thường mua hoa quả về thắp hương trên bàn thờ. Đó là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt chúng ta. Thỉnh thoảng xem các bộ phim Việt, tôi hay bắt gặp cảnh người vợ thắp hương trước bàn thờ chồng và khấn nguyện đại loại như: Ông ơi, ông có sống khôn chết thiêng thì về phù hộ độ trì cho thằng X nhà mình. Nó dạo này hư đốn lắm ông ơi… Trong một không gian tĩnh lặng và yên bình của miền quê, hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi và những lời khấn nguyện khiến tôi rùng mình. Có một cái gì đó rất đẹp đã xảy ra. Người chết kết nối với người sống để cùng nhau làm một cái gì đó tốt đẹp cho con cái.

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, những ngày giáp Tết, có một công việc mà cha mẹ tôi không bao giờ bỏ qua, đó là dọn nhà cửa cho sạch sẽ. Trong những đồ cần lau rửa thì tượng Chúa, Đức Mẹ và Thánh Cả Giu-se bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu. Các bức tượng sau khi được lau rửa đều trở nên sạch sẽ như mới. Gia đình tôi có thói quen tối nào cũng đọc kinh cầu nguyện cùng nhau. Thói quen ấy bố mẹ tôi vẫn còn giữ cho đến ngày hôm nay, ngay cả khi các con của ông bà đã khôn lớn trưởng thành. Thói quen cầu nguyện trong gia đình thật tốt biết bao để nuôi dưỡng đời sống đức tin của con cái và tập cho con cái biết cầu nguyện. Tôi xác tín một điều rằng, sở dĩ tôi có được đức tin như ngày hôm nay là nhờ phần lớn việc đọc kinh cầu nguyện trong gia đình. Cha mẹ tôi không được học hỏi nhiều về giáo lý. Việc giữ đạo của ông bà chủ yếu là nhờ vào đức tin truyền thống và thói quen cầu nguyện. Tôi nghĩ như thế là đủ. Lòng tin yêu Chúa của ông bà là bài học dạy chúng tôi còn hơn cả những kiến thức thần học tôi học sau này.

Trên trang thông tin của Tổng Giáo phận Hà Nội, ngày nào tôi cũng thấy truyền trực tiếp một giờ kinh cầu nguyện từ các gia đình. Đây là một cố gắng nỗ lực tuyệt vời của bề trên giáo phận nhằm cổ võ việc đọc kinh cầu nguyện trong các gia đình. Tuy nhiên nhìn vào thực tế, con số các gia đình ngày hôm nay còn đọc kinh cầu nguyện là không nhiều. Biết bao chương trình giải trí hấp dẫn và đặc biệt là chiếc Smartphone đã khiến các thành viên gia đình dần mất kết nối. Những cảnh cha mẹ và con cái, mỗi người một chiếc điện thoại thông minh và không nói chuyện gì với nhau trở nên quá phổ biến. Không có thời gian cùng nhau cầu nguyện nên cha mẹ và con cái dần trở nên xa cách. Họ vẫn ăn uống và sinh hoạt cùng nhau trong một gia đình nhưng đã mất đi sự kết nối thiêng liêng. Đây là sự kết nối vô hình nhưng lại vô cùng quan trọng. Vì không cầu nguyện cùng nhau nên các thành viên trong gia đình cũng rất ít khi cầu nguyện cho nhau. Mất kết nối thiêng liêng là mất đi một cái gì đó sâu sắc, một cái gì đó là nền tảng. Vì thế mà sự yêu thương và cảm thông cũng trở nên mờ nhạt.

Cách đây vài ngày, tôi gọi điện thoại cho một bạn trẻ mà tôi quen biết từ thời sinh viên. Lúc đó là vào khoảng 21h00. Tôi thấy có chuông điện thoại nhưng không thấy người bắt máy. Khoảng gần một tiếng sau, tôi thấy bạn đó gọi lại cho tôi. Bạn đó nói là lúc cha gọi cho con thì vợ chồng con đang đọc kinh cầu nguyện. Tôi nghe mà cảm thấy một niềm vui dâng lên trong tâm hồn. Bạn đó đã kết hôn được năm năm. Trong câu chuyện trao đổi với tôi, bạn đó chia sẻ rằng: “Mỗi tối hai vợ chồng con thường đọc kinh cầu nguyện khoảng nửa tiếng. Trong suốt năm năm qua, hiếm khi chúng con bỏ cầu nguyện. Thói quen cầu nguyện giúp chúng con duy trì mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp. Con bé con nhà con mới mấy tuổi thôi nhưng giờ cũng thuộc được khá nhiều kinh rồi. Chúng con cảm nghiệm Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ gia đình con. Xin cha thêm lời cầu nguyện cho chúng con”.

Giữa một xã hội đang không ngừng biến động, có những thứ luôn có giá trị và luôn bất biến với thời gian. Lời cầu nguyện dù diễn ra trong không gian nào và trong hoàn cảnh nào thì cũng luôn là một liều thuốc tinh thần tuyệt vời giúp con người trở nên nhân ái và thiện lành hơn. Tôi cầu mong cho các cặp đôi trẻ và mọi gia đình trên dải hình chữ S và trên thế gian này luôn cùng nhau cầu nguyện. Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ, các bạn hãy xây dựng cho mình một thói quen cầu nguyện hằng ngày. Cầu nguyện không lấy đi của các bạn điều gì, nhưng chắc chắn sẽ giúp cho các bạn và con cái các bạn trở nên ngày càng  tuyệt vời hơn trong mắt mọi người.

Lm. Giu-se Tạ Xuân Hòa

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

 

Xem thêm: Vị trí đặt bàn thờ Chúa trong nhà & Ý nghĩa trong Công giáo

 

 


Tin liên quan

Linh mục CHÁNH XỨ

Linh mục CHÁNH XỨ

Cha Vinh Sơn

Nguyễn Văn Hồng

Từ năm 2022

Linh mục PHỤ TÁ

Linh mục PHỤ TÁ

Cha Giuse

Phạm Việt Dũng

Từ năm 2022

Copyright © Giáo xứ Tân Sa Châu
Thiết kế website bởi Công ty Cổ phần Phần Mềm Zozo