THỨ BẢY TUẦN 22 TN (Lc 6, 1-5)

 

“Con người làm chủ ngày Sabat”

   1/ Ngày Sabat được Chúa lập ra để thờ phượng Chúa và để đem lại ích lợi cho bản thân và tha nhân qua việc nghỉ ngơi và chia sẻ bác ái: “Đây là ngày Chúa đã lập ra, nào ta hãy vui mừng hỉ hoan” (Tv 117, 24).

  2/ Chúa Giêsu làm chủ ngày Sabat có nghĩa là Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

  3/ Ngày Sabat trong Cựu Ước bị các kinh sư lạm dụng, đặt ra muôn vàn quy định như “Những bó thật nặng đặt trên vai người ta”.

  4/ Chúng ta theo Chúa Giêsu chứ không theo các ông kinh sư nên:

- Những gì Chúa Giêsu đã bãi bỏ, chúng ta không phải chấp hành như chuyện cấm đi quá 500 thước, chuyện giặt quần áo, nấu ăn và những việc cần thiết khác... cho bản thân và gia đình.

- Những gì Chúa cho phép và khuyến khích, chúng ta hồ hởi thi hành như việc bác ái, phục vụ tha nhân, phục vụ công ích... Chính Chúa vẫn chữa bệnh cho người ta trong ngày Sabat... khiến các ông trưởng hội đường phải kêu lên: “Có 6 ngày để xin chữa bệnh, hãy tới vào các ngày đó... đừng cõng bệnh nhân đến trong này Sabat... Chúa trả lời: Quân giả hình, thế ngày Sabat con bò sa xuống hố có kéo nó lên không? Các tư tế làm việc trong đền thờ có vi phạm không?”.

  5/ Sau khi Chúa sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần và lên trời... Các tông đồ đã lấy ngày đó làm ngày của Chúa, tập họp dân Chúa và cử hành Lễ tế Phụng vụ vào ngày đó... từ đó Giáo Hội chuyển ngày Sabat sang ngày của Chúa (Chúa Nhật).

  Trong mười điều răn: Thứ ba giữ ngày Chúa Nhật.

  Luật Hội Thánh giải thích 2 việc phải làm là dự Thánh lễkiêng việc nặng nhọc phần xác để lãnh lương (không cấm việc tinh thần, việc phục vụ bác ái phi lợi nhuận và những việc khẩn thiết thí dụ bác sỹ, y tá trực bệnh viện, nhân viên điều khiển không lưu...).

***********

 “Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên, chúng con vui mừng sung sướng triền miên. Hôm nay ánh sáng bình minh chói lói trên đầu những kẻ lòng thánh... Hôm nay đáng ghi muôn đời, hôm nay Chúa thương dân Người, hôm nay Chúa đem dân Người lên núi Sion” (Hùng Lân).

 

CHÚA NHẬT 23 TN A

(Mt 18, 15-20)

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội
thì anh hãy đi sửa lỗi cho nó...”

                1/ Sửa lỗi anh em là việc rất tế nhị và rất khó... vì ai cũng dư tự ái mà thiếu khiêm nhường, hơn nữa người sửa lỗi cũng chẳng hoàn hảo và cũng thừa thái độ “lên lớp” mà thiếu tế nhị, tâm lý và chân thành.

  2/ Sửa lỗi anh em là lệnh của Chúa, không phải là chuyện “nhiệm ý” muốn thì làm, không muốn thì thôi, chẳng hệ gì.

  Tiên tri Êdêkien đã viết: “Nếu kẻ công chính bỏ đàng công chính mà làm điều gian ác... Nó sẽ phải chết và vì ngươi không báo cho nó... Nên Ta sẽ đòi nơi ngươi nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi báo cho nó biết mà nó không làm điều gian ác nữa... Thì nó sẽ được sống còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 3, 20-21).

  3/ Làm thế nào đây? Cứ theo Lời Chúa dạy:

- Thật kín đáo: “Một mình ngươi với nó thôi” (dĩ nhiên tế nhị, khiêm tốn, thân tình tối đa).

- Nếu không có hiệu quả thì đem theo hai ba bạn thân... mỗi người nói cho một tiếng...

- Nếu nó cố chấp thì hãy trình cha sở... xin ngài giúp đỡ...

  4/ Trong khi thi hành công tác động viên anh chị em, ta phải cầu nguyện thật nhiều cho họ, kêu mời mọi người dâng hi sinh cầu cho họ vì: “Nơi nào có hai, ba người họp nhau cầu nguyện thì có Thầy ở giữa họ”.

  5/ Câu chuyện tiên tri Natan đến nhắc Vua Đavit về tội ngoại tình và sát nhân ... Tiên tri đã rất tâm lý, kể cho vua một câu chuyện bất công khiến vua nổi giận lên án kẻ gây ra bất công đó... Natan mới cho Vua hay kẻ vua lên án đó lại chính là Đức Vua... Vua Đavít đã sấp mình xuống đất ăn năn sám hối... Natan đã “lợi được 1 người bạn” (2 Sm 12, 1-15).

  6/ Người làm công tác chấn chỉnh anh em theo lệnh Chúa... cũng phải sẵn sàng chấp nhận số phận của ông Gioan tẩy giả, rất bi đát nhưng cũng rất vinh quang.

***********

Xin cho chúng con biết khiêm tốn và khôn ngoan theo đường lối của Chúa Giêsu. Amen.


© Copyright 2019-2024 Giáo Xứ Tân Sa Châu. Thiết kế bởi Zozo