THỨ HAI TUẦN 31 TN

“Họ không có gì đáp lễ, ông mới thật có phúc
vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14, 12-14)

   1/ Thông thường người ta làm tiệc là để chiêu đãi người thân, bạn bè, có ai đặt tiệc để đãi những người nghèo khó, xa lạ, lang thang bao giờ?... họa may có vị thánh nào đó “Giữ Lời Chúa theo nghĩa chữ, nghĩa đen” mới làm như vậy thôi (thương người nghèo thì có nhiều cách giúp đỡ như chia sẻ cơm áo, gạo tiền, tạo công việc cho họ, cho học bổng cho con cái họ... đâu cần phải mở tiệc chiêu đãi, tiền chiêu đãi để mà chia cho họ, chắc họ thích hơn vì cả nhà được hưởng... hơn nữa mục đích của việc chiêu đãi là sự gặp gỡ, quy tụ, chia sẻ tình nghĩa thân quen hơn là chuyện tiệc tùng ăn uống...)

   2/ Chúa dùng kiểu nói “cường điệu” của văn chương. Kiểu nói quá sự thật, quá sự cần thiết, càng quá càng có tác dụng cho người ta so sánh: Lạc đà to đùng như con voi; lỗ kim nhỏ tý, con kiến chui chưa lọt...

   Mục đích của kiểu nói này chỉ để cho người ta so sánh rồi tự kết luận, không có ý “Dạy phải làm y như vậy”. Thí dụ kiểu nói: chặt chân, chặt tay, móc mắt... (trái với luật cấm tự tử, cấm hủy hoại thân thể).

   3/ Ở đây vấn đề Chúa nhấn mạnh là “đáp lễ”.

   Thói đời thường: “Có đi có lại mới toại lòng nhau.”; “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.”; “Ông có cái giò, bà thò chai rượu”... Làm từ thiện bác ái kiều này thì trái nghịch với đường lối của Chúa Giêsu.

   Chúa muốn dạy ông thủ lãnh Pharisêu và chúng ta bài học làm từ thiện kiểu “Tình cho không, biếu không”, vô tư, không bao giờ có hậu ý sẽ được đáp trả, ít là tiếng cám ơn... Nếu có mong gì đó thì chỉ mong Cha trên trời hài lòng và ngày tận thế mình được vào số kẻ lành sống lại về bên Cha.

***********

Xin cho chúng con hiểu Lời Chúa và sống đúng Lời Chúa. Amen.


© Copyright 2019-2024 Giáo Xứ Tân Sa Châu. Thiết kế bởi Zozo